• :
  • :

Thời của các doanh nghiệp Fintech: Vẫn chờ “gỡ rào, tháo cản”!

Một đặc trưng của cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng là sự khuếch tán nhanh hơn, độ bao phủ rộng hơn của các công nghệ mới, cũng như tốc độ hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo.

Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, bên cạnh việc bản thân các ngân hàng ứng dụng công nghệ số vào hoạt động nghiệp vụ, còn phải kể đến sự phát triển của các doanh nghiệp Fintech (Financial technology - công nghệ về tài chính), giúp mở rộng hệ sinh thái dịch vụ tài chính, đồng thời mang lại nhiều sự thuận tiện hơn cho khách hàng.

Theo một nghiên cứu do Công ty tư vấn Solidiance thực hiện, thị trường Fintech của Việt Nam đã cán mốc 4,4 tỷ USD trong năm 2017 và sẽ tăng lên mức 7,8 tỷ USD vào năm 2020, trong đó phần lớn tập trung vào mảng thanh toán. Cụ thể, có khoảng 2/3 startup thuộc lĩnh vực Fintech ở Việt Nam cung cấp công cụ thanh toán trực tuyến và các giải pháp thanh toán kỹ thuật số POS/mPOS, chuyển tiền…

Bên cạnh đó, theo báo cáo từ EY (một trong 4 công ty kế toán - kiểm toán - tài chính lớn nhất thế giới), Momo đang là công ty dẫn đầu tại thị trường Fintech tại Việt Nam, với số tiền nhận đầu tư lên tới 33,75 triệu USD từ Goldman Sachs và Standard Chartered. Kế tiếp đó là những tên tuổi khá quen thuộc như VnPay, 123Pay, Bảo Kim, Ngân lượng, OnePay, Payoo... với tổng số người dùng ước tính lên tới gần 48 triệu người.

Lạc quan trước tốc độ tăng trưởng này, số liệu từ một báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Statista còn cho rằng, năm 2022, tổng các giao dịch thanh toán điện tử tại Việt Nam dự kiến sẽ lên đến 12,33 tỷ USD.

Đặc biệt, cùng với sự tăng trưởng của các Fintech,  nhiều ngân hàng thương mại như: BIDV, Vietinbank, VPBank, TPBank… cũng đã có bước chuyển mình để cập nhật, vận hành hệ thống ngân hàng số trên nền tảng công nghệ hiện đại, tạo nên bức tranh vô cùng sôi động, thậm chí mang đến những áp lực không nhỏ cho các bên. 

Tuy nhiên, trong tổng quan chung, so với tiềm năng và quy mô thị trường, có thể thấy mức tăng trưởng và độ “trưởng thành” của doanh nghiệp Fintech vẫn còn chưa thực sự như kỳ vọng. Trong đó, có các vấn đề liên quan đến quy định pháp lý, tính cạnh tranh, sự đổi mới sáng tạo, các yêu cầu về bảo mật… cũng như một yếu tố không thể không nhắc đến là tâm lý và thói quen của người dùng. Tất cả đòi hỏi một chiến thuật bài bản, dài hơi để “làm thị trường”, nhưng đồng thời phải đảm bảo yếu tố sáng tạo và tốc độ khi đưa ra sản phẩm - dịch vụ.

TIN LIÊN QUAN