• :
  • :

Biến nỗi sợ thành động lực (Phần 2)

Nỗi sợ thất bại là thứ luôn tồn tại đối với mọi doanh nhân. Vì vậy với họ, sự can đảm không phải là khi nỗi sợ biến mất, mà là khi vẫn kiên gan, bền chí bất chấp sự hiện diện của nỗi sợ hãi đó.

1. Tự kiểm soát và điều hướng cảm xúc

 

Trí thông minh cảm xúc có liên quan đến cả sự nhận thức về cảm xúc của ai đó và khả năng của họ trong việc kiểm soát sức ảnh hưởng của suy nghĩ và hành vi. “Nếu tôi đang có tâm trạng không tốt trong một tuần và khi nhìn vào các dự án của mình, tôi chỉ thấy những điều tiêu cực và những lý do tại sao nó không tiến triển tốt. Rồi tôi bắt đầu học được rằng nó thường không liên quan đến các dự án, mà liên quan nhiều hơn đến cảm xúc của tôi. Vì vậy, tôi đã học được cách tách bạch những mối lo đó ra bởi nó chỉ là nhất thời”, một doanh nhân chia sẻ với chúng tôi.

Sự tự nhận thức cảm xúc là một kỹ năng có thể học hỏi, liên quan đến việc nhận thức các dấu hiệu của cảm xúc xâm nhập vào ý thức thông qua tâm trạng, dự đoán được tác động của chúng lên suy nghĩ, và sử dụng sự nhận thức đó để giới hạn những tác động của chúng lên quyết định và hành động. Thực hành khả năng tự nhận thức giúp kiềm hãm tác động của những cảm xúc tiêu cực lên việc thiết lập mục tiêu và ra quyết định.

 

2. Giải quyết vấn đề

“Sự lo lắng giúp tôi cố gắng tìm ra lỗ hổng trong quá trình kinh doanh của mình”, một doanh nhân cho biết. Sự chủ động tìm ra điểm yếu và sai sót để sửa chữa là một cách hiệu quả để làm giảm nỗi sợ thất bại.

Trực giác là một nguồn thông tin rất đáng tin cậy, và đã được chứng minh rằng đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra quyết định nhanh chóng và hiệu quả. Những trực giác đó thường liên quan đến cảm xúc hơn là những suy nghĩ cụ thể. Cảm xúc sợ hãi có thể cung cấp những dấu hiệu quan trọng cho thấy phần việc nào đó là cần thiết. Khi được xem như một dấu hiệu chứ không phải bị chối bỏ, những “lá cờ cảm xúc” này có thể giúp doanh nhân loại bỏ những điểm yếu và những sai sót trong ý tưởng kinh doanh. Do đó, một phản ứng chủ động theo hướng giải quyết vấn đề sẽ có tác dụng kéo giảm sự sợ hãi.

 

3. Học hỏi

“Nỗi sợ thúc đẩy tôi làm việc chăm chỉ hơn, quan tâm nhiều hơn đến những thứ mình đang làm, và tự răn mình phải trở nên tốt nhất có thể trong quá trình phát triển doanh nghiệp”, một doanh nhân nói.

Các doanh nhân tham gia nghiên cứu nói với chúng tôi rằng một trong những cách giúp họ vượt qua nỗi sợ là nhờ học hỏi và tìm kiếm thông tin, nhằm có được hiểu biết cốt lõi của vấn đề. Học hỏi chính là một “liều thuốc” hiệu nghiệm đễ “chữa” nỗi sợ thất bại, giúp giảm đi nỗi nghi ngờ của ai đó thông qua việc làm tăng khả năng thực thi của họ.

Sự không chắc chắn luôn hiện hữu và tạo ra nhiều thách thức cho giới doanh nhân. Họ sẽ không bao giờ có đầy đủ tất cả thông tin mình muốn, vì vậy, luôn luôn học hỏi là yếu tố hết sức quan trọng để vượt qua nỗi sợ thất bại.

 

4. Tìm kiếm sự hỗ trợ

Một trong những doanh nhân tham gia cuộc nghiên cứu cho biết: “Tìm kiếm mentor – người có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực bạn đang muốn khởi nghiệp - thực sự là một chìa khóa thành công”. Đối với những doanh nhân phải liên tục chiến đấu với nỗi sợ thất bại, mentor và mạng lưới các mối quan hệ hết sức quan trọng. Họ sẽ hỗ trợ cả 3 chiến lược trên: học hỏi, giải quyết vấn đề và kiểm soát cảm xúc.

Nói về tác động của nỗi sợ thất bại đến khả năng giải quyết vấn đề, một nữ doanh nhân nói: “Nỗi sợ thất bại chỉ thúc đẩy tôi học hỏi nhiều hơn, trò chuyện với nhiều người hơn và tìm ra lý do tại sao tôi lại sai trong bước đi đầu tiên”. Một doanh nhân khác cho biết: “Nỗi sợ thất bại giúp bạn tiếp tục dấn bước với những ý tưởng tốt hơn và tìm kiếm người trao cho mình những góp ý xây dựng trong suốt hành trình khởi nghiệp”.

Sự học hỏi từ những người dày dạn kinh nghiệm là phương thức hữu hiệu giúp doanh nhân vượt qua được những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực. Thông qua những hình thức học hỏi cả chính thức lẫn không chính thức, họ sẽ học được rằng những cảm xúc về sự không chắc chắn và những nỗi lo lắng là chuyện bình thường, cũng như biết được những vấn đề nào nên chú ý và cách khắc phục theo thời gian.

Lượt xem: 412
Nguồn:hawking.edu.vn Sao chép liên kết
TIN LIÊN QUAN