Thương hiệu Việt gian nan đường xuất ngoại
Nhiều hiệp định thương mại, quan hệ đối tác toàn diện đã được thực thi nhưng hàng hóa mang thương hiệu Việt vẫn còn lắm gian nan khi xuất ngoại. Tỷ lệ khiêm tốn Tháng 12 năm ngoái, FTA Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực được dự báo sẽ mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam mở rộng thị trường. Thêm nữa, TPP cũng được cho là tạo nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam tham gia vào những thị trường lớn và khó tính, như Nhật Bản, Mỹ, Canada, Úc... Nhưng thực tế, liệu con đường đến với những thị trường này có toàn là "hoa hồng" với DN Việt? Làn sóng xuất khẩu từ văn hóa, giải trí cho đến hàng hóa của DN Hàn Quốc gần như trở thành một trào lưu ở Việt Nam, chủ yếu thông qua hệ thống bán lẻ đang mở rộng của họ, như Lotte Mart, E-Mart. Theo thống kê, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đang có phần nghiêng về Hàn Quốc.Năm 2014, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam (sau Trung Quốc và Mỹ), ngược lại, Việt Nam nằm trong Top 10 thị trường xuất khẩu (XK) lớn của Hàn Quốc. Điều này có thể thấy qua con số tăng trưởng về nhập khẩu (NK) của Việt Nam từ Hàn Quốc, năm 2014, NK của Việt Nam từ thị trường này đạt 21,7 tỷ USD và đến năm 2015 là 27,9 tỷ USD. XK của Việt Nam sang Hàn Quốc tuy có tăng nhưng chưa tạo được bước đột phá. Ông Hong Won Sik - TGĐ Lotte Vietnam Shopping cho biết, nhiều sản phẩm từ Việt Nam được người tiêu dùng Hàn Quốc chú ý, như thịt heo, bia, cà phê, mật ong, trái cây, hạt khô, đồ gỗ, nội thất, đồ gốm sứ... Lotte cũng đang nỗ lực để tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu hàng hóa của các DN nhỏ và vừa của Việt Nam sang Hàn Quốc. Sau khoảng 2 năm triển khai, kim ngạch XK hàng Việt tại hệ thống Lotte Mart sang đến Hàn Quốc đã đạt 5 triệu USD. Nhiều sản phẩm được bày bán thường xuyên trong các siêu thị Lotte Mart ở Hàn Quốc như hàng gia dụng, hàng khô, thời trang nhưng tỷ lệ khiêm tốn, chưa đến 5% trong toàn hệ thống. Thông qua công ty thành viên là Lotte Logistic, Lotte Group cũng đang tìm các nguồn hàng chất lượng cao đưa vào thị trường Hàn Quốc. Tuy nhiên, ông Hong Won Sik cho rằng, để sản phẩm được đón nhận ở thị trường Hàn Quốc thì các nhà sản xuất Việt Nam cần chăm sóc "đứa con tinh thần" kỹ lưỡng, trước hết là thiết kế bao bì, tên sản phẩm phải bắt mắt. Về phía DN Việt Nam, bà Nguyễn Hồng Trang - Giám đốc Điều hành Công ty Sơn Kim Fashion (SKF) chia sẻ, khi FTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc ký kết, SKF có làm việc với phía Lotte Mart để đưa thời trang của SKF vào hệ thống Lotte Mart ở Hàn Quốc nhưng trong quá trình đàm phán, có những vấn đề hai bên không đi đến thống nhất, mà cụ thể là về giá. Theo bà Trang, một khi các FTA được thực thi, thuế không còn là rào cản với DN các nước nhưng giá cả, mẫu mã, chất lượng và sản lượng hàng hóa có đáp ứng được sức cạnh tranh của một thị trường với quá nhiều đối thủ hay không, đặc biệt là trong lĩnh vực thời trang? Doanh nghiệp cần kiên nhẫn Những trở ngại trong việc XK hàng hóa từ Việt Nam cũng xảy ra ở một số thị trường vốn được xem là truyền thống, như Mỹ hay Nhật Bản. Vấn đề đôi khi không nằm ở bản thân thị trường đó mà là khả năng thích ứng của DN trong nước trước những rào cản thương mại và sự thay đổi liên tục về xu hướng tiêu dùng. Chẳng hạn, để đưa 3 tấn xoài cát chu Đồng Tháp vào bán tại hệ thống siêu thị Aeon ở Nhật Bản, ngành nông nghiệp Đồng Tháp và các cơ quan chức năng của Việt Nam phải mất gần 5 năm để chuẩn bị hồ sơ, xây dựng quy trình xử lý dịch hại, định hướng cho nông dân thay đổi tập quán sản xuất mới được phía Nhật Bản chấp thuận. Ông Trần Hữu Chinh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hải Việt, đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm xuất khẩu các sản phẩm phối chế (sushi, mực ống và tảo cuộn cá hồi cắt nhỏ xiên que) sang Nhật Bản cho rằng, việc đưa hàng hóa mang thương hiệu Việt trực tiếp vào các chuỗi bán lẻ lớn trên thế giới là điều không dễ dàng, bởi phải thông qua nhiều quy trình kiểm duyệt, từ chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất, nguồn gốc nguyên liệu. Và để nhận được sự chấp thuận của các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm ở các thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ đôi khi phải mất vài năm. Điều này đòi hỏi DN phải có sự kiên trì, có tài chính vững mạnh và đơn vị tư vấn có uy tín. Do đó, đa phần khi xuất hàng hóa, DN Việt Nam thường chọn cách thông qua nhà nhập khẩu ở nước sở tại để tận dụng được thế mạnh của hai bên, nhằm tiết giảm thời gian thâm nhập thị trường.
>>>>>> Khóa học xây dựng và phát triển thương hiệu"
>>>>>>Khóa học "Kỹ năng tư duy và lập kế hoạch chiến lược"
(Theo doanhnhansaigon.vn)
Nguồn:hawking.edu.vn
Sao chép liên kết