• :
  • :

Thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

Hội thảo tham vấn nhằm tạo dựng được một diễn đàn trao đổi chuyên sâu và cởi mở của các chuyên gia, nhà quản lý, những đơn vị, cá nhân có liên quan về thực trạng, xu hướng và đề xuất các giải pháp, định hướng cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam từ nay tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045.

Ngày 9/7, tại Hà Nội, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Hội thảo tham vấn “Đề án Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Hội thảo có sự tham gia của đại diện các đơn vị quản lý nhà nước thuộc các Bộ, ban, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, đại diện một số đơn vị tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết: Ngày 08/09/2016, Thủ tướng Chính phủ kí ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi là Chiến lược). Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một chiến lược quốc gia nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tiễn về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo.

 Các đại biểu tham dự hội thảo

Việc ban hành Chiến lược đã tạo ra sự chuyển biến tích cực và đổi mới đối với các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH). Năm 2022, các ngành CNVH Việt Nam bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ, đóng góp ước đạt 4,04% đối với GDP, tạo 1 triệu việc làm cho xã hội. Doanh thu xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ văn hóa, số lượng doanh nghiệp và các không gian văn hóa, trung tâm sáng tạo, thành phố sáng tạo trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong cả nước tăng lên. Nhiều sản phẩm, dịch vụ sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật đã thể hiện sống động bản sắc, tinh thần sáng tạo Việt Nam, góp phần phát huy sức mạnh mềm văn hóa trong hội nhập quốc tế.

"Những chuyển biến trên cho thấy khả năng tác động, hiệu quả thực tiễn của Chiến lược trong quá trình hoàn thiện khung khổ chính sách, kiện toàn cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành liên quan cho tới việc triển khai các kế hoạch và nhiệm vụ cụ thể ở cả cấp trung ương và địa phương, cùng sự tích cực, chủ động tham gia của các văn nghệ sỹ, người thực hành văn hóa, doanh nhân, nhà nghiên cứu, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức quốc tế... Tất cả đã kết nối và dần hình thành một hệ sinh thái văn hóa và sáng tạo đa dạng ở nước ta" - PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nhận định.

Tuy nhiên, theo Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, qua thực tiễn 07 năm triển khai thực hiện Chiến lược còn một số tồn tại, hạn chế như: Nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế của đất nước chưa rõ, thói quen trông chờ ngân sách nhà nước cho các hoạt động sản xuất các sản phẩm, dịch vụ văn hóa vẫn tồn tại từ thời bao cấp; Chưa phát huy được sự đóng góp của các chủ thể tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp văn hóa do cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành, cơ quan các cấp, giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân còn thiếu đồng bộ, chặt chẽ; Quá trình hoàn thiện thể chế chưa tạo điều kiện ưu tiên và khuyến khích các ngành công nghiệp văn hóa phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh sau đại dich COVID-19; Đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng của các ngành CNVH trong phát triển bền vững; Bất cập trong cơ chế chính sách tạo tình trạng thiếu hài hòa giữa khu vực công lập và tư nhân trong việc tiếp cận nguồn hỗ trợ từ Nhà nước; Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển các ngành CNVH; Hiệu quả thực thi các chính sách và biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và quyền liên quan còn hạn chế, chưa thúc đẩy năng lực sáng tạo các ngành công nghiệp văn hóa…

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, qua thực tiễn 08 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, đạt được sự tăng trưởng về đóng góp GDP, việc làm, doanh thu xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ văn hóa, số lượng doanh nghiệp và các không gian văn hóa, trung tâm sáng tạo, thành phố sáng tạo trong cả nước. Bên cạnh những đóng góp về kinh tế, sự nỗ lực của các nhân tố tham gia vào các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo đã mang lại nhiều sản phẩm, sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật có chất lượng quốc tế nhưng phản ánh nội dung và tinh thần sáng tạo Việt Nam sâu sắc.

Tuy nhiên, theo ông Trần Hoàng, hành trình phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thời gian qua vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế và trong những năm tới, sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh mới với xu hướng toàn cầu hóa mạnh mẽ, sự phát triển như vũ bão của công nghệ kỹ thuật số và các công nghệ mới của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những thách thức cấp bách về phát triển bền vững và năng lực cần có để ứng phó với nhiều khủng hoảng ở quy mô toàn cầu. Bản chất năng động của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo sẽ đòi hỏi chúng ta phải có những đánh giá thường xuyên, điều chỉnh kịp thời và thích ứng liên tục với bối cảnh mới đó để tối đa hóa nguồn lực hiện có, nắm bắt xu hướng phát triển của tương lai trong lĩnh vực này.

Ông Trần Hoàng cho rằng, hội thảo tham vấn là hoạt động nằm trong khuôn khổ của việc triển khai thực hiện nhiệm vụ "Xây dựng Đề án Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao cho Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, phối hợp với Cục Bản quyền tác giả và các đơn vị khác thực hiện nhằm tạo dựng được một diễn đàn trao đổi chuyên sâu, cởi mở của các chuyên gia, những nhà quản lý, cũng như những đơn vị, cá nhân có liên quan về thực trạng, xu hướng và đề xuất các giải pháp, định hướng cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam từ nay tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã góp ý vào Chiến lược với những mong muốn Chiến lược chú trọng hơn đến các chính sách quan tâm đến đối tượng đầu tư cho công nghiệp văn hóa, du lịch văn hóa, tham chiếu giữa các ngành công nghiệp văn hóa.../.

Hà Thanh

Lượt xem: 5
Nguồn:https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/thuc-day-phat-trien-cac-nganh-cong-nghiep-van-hoa-viet-nam-672074.html Sao chép liên kết
TIN LIÊN QUAN