• :
  • :

Sinh viên thiếu môi trường và nền tảng kiến thức để khởi nghiệp thành công?

Nhiều chuyên gia cho rằng, sinh viên Việt Nam có nhiều ý tưởng sáng tạo nhưng đang thiếu môi trường và nền tảng kiến thức để khởi nghiệp thành công.

Chính phủ đã có đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Bộ GD-ĐT cũng có đề án “Học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, nhưng sinh viên khởi nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu chất xúc tác từ nhà trường.

Tại Việt Nam, sau 2 năm đẩy mạnh mô hình khởi nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã tạo được bước đột phá trong sản xuất, kinh doanh, tạo ra nguồn lợi lớn. Ở các đô thị lớn như TP HCM, Hà Nội, không khó để tiếp cận các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công.

Tuy nhiên, hoạt động khởi nghiệp hiện nay tại nước ta vẫn còn nhiều vấn đề cần lưu ý, nguy hiểm nhất là khái niệm “tô hồng mô hình khởi nghiệp”. Trong đó, việc tìm lý do và giải pháp để kéo giảm tỷ lệ hơn 90% mô hình khởi nghiệp hiện nay thất bại sau 3 năm là vô cùng quan trọng.

Các trường ĐH vẫn chưa quan tâm đúng mức, hỗ trợ kịp thời cho sinh viên khởi nghiệp.

Thực tế cho thấy, nguyên nhân chính khiến hoạt động khởi nghiệp chưa hiệu quả là do chính sách nhà nước nói chung và các trường ĐH nói riêng còn thiếu nhiều cơ chế hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, trong đó vấn đề nan giải là nguồn vốn tài trợ cho hoạt động này. Th.S Trẩm Bích Lộc, Trường ĐH Sài Gòn, dẫn chứng: “Thực trạng chung của các doanh nghiệp khởi nghiệp trên thế giới là luôn gặp khó khăn trong những năm đầu khởi sự. Cụ thể, tại Anh, tỷ lệ doanh nghiệp còn tồn tại sau 3 năm hoạt động là 70%; tại New Zealand, tỷ lệ này dưới 50%. Ở 26 nước trong khu vực Liên minh châu Âu (EU), tốc độ gia tăng số lượng doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp giải thể ở mức tương đương nhau, tỷ lệ doanh nghiệp tồn tại sau 5 năm là 46%. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến phá sản doanh nghiệp khởi nghiệp là không đủ nguồn vốn hoạt động”. Hiệu trưởng một trường tại TPHCM nêu rằng trong kế hoạch thực hiện đề án của Chính phủ, nguồn kinh phí để đạt những mục tiêu chủ yếu là do trường ĐH chủ động bố trí từ các nguồn thu hợp pháp của trường, hoặc do nhà trường tự vận động từ các cá nhân, tổ chức bên ngoài. Trong khi đó, với nguồn học phí như hiện nay, các trường khó mà thực hiện được. Vì vậy, câu chuyện khởi nghiệp khó tránh khỏi làm cho có, làm theo phong trào mà thôi.

Theo đại diện nhiều trường, các quyết định mang tính chiến lược từ Chính phủ đã tạo lực đẩy khiến các trường ĐH chú trọng hơn trong việc đào tạo khởi nghiệp cho sinh viên. Cụ thể, những buổi hội thảo ở nhiều cấp độ khác nhau, hoặc các buổi tư vấn, giao lưu giữa chuyên gia và sinh viên đã được tổ chức để bàn về vấn đề khởi nghiệp, tổ chức nhiều cuộc thi dành cho sinh viên để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp… Bên cạnh đó, một số trường đưa khởi nghiệp trở thành môn học tự chọn hoặc bắt buộc trong chương trình học, mở mã ngành mới chuyên đào tạo khởi nghiệp. Song, có thể thấy hầu hết những hoạt động này đều chưa mang lại hiệu quả, sinh viên được truyền cảm hứng nhưng đó chỉ là cảm xúc nhất thời, các dự án khởi nghiệp phần lớn vẫn nằm trên giấy chứ khó đưa vào thực tế.

Sau khi thống kê 40/90 trường hợp gọi vốn không thành công trong chương trình Thương vụ bạc tỷ Việt Nam mùa 1 và mùa 2, nhóm tác giả của Trường ĐH Sài Gòn đã đưa ra bảng tổng kết gồm 3 nhóm lý do chính như sau: Trong số các dự án thất bại kêu gọi vốn đầu tư, có đến 95% có liên quan đến vấn đề về mô hình kinh doanh. 60% các dự án thất bại có liên quan đến vấn đề về tài chính và 42,5% liên quan đến vấn đề về con người và nhân sự. Trong mùa đầu tiên, các trường hợp thất bại trong gọi vốn có đến 64% liên quan đến vấn đề tài chính startup không am hiểu về các chỉ số tài chính của doanh nghiệp mình, định giá không hợp lý, chi phí làm ra sản phẩm hoặc chi phí vận hành quá lớn dẫn đến hiệu quả thấp trong đầu tư.

Theo Th.S Trẩm Bích Lộc, nguyên nhân việc trí thức trẻ khởi nghiệp chưa thành công có thể là vì sự hợp tác giữa trường ĐH và doanh nghiệp vẫn còn ở mức độ thấp, khiến cho những dự án của sinh viên chưa mang tính thực nghiệm cao. Còn ông Trần Ngọc Chu, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, nhận định sự hợp tác trong lĩnh vực khởi nghiệp, đặc biệt là đào tạo khởi nghiệp giữa ĐH và doanh nghiệp, mang tính “chắp vá” về cả phương thức, thời hạn và nội dung. Các báo cáo nghiên cứu cho thấy, trong số hơn 400 doanh nghiệp có quan hệ hợp tác với trường ĐH, chỉ có 47 trường hợp xem các trường là “đối tác lâu dài” và “đối tác chiến lược” của doanh nghiệp.

Ngoài ra, mặt bằng chung các trường đại học, cao đẳng hiện vẫn chưa chú trọng đến lĩnh vực này nên chủ yếu để sinh viên “tự bơi” với ý tưởng khởi nghiệp làm thất thoát lượng lớn mô hình sáng tạo. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng vấn đề mấu chốt vẫn là sự thay đổi tư duy, chương trình đào tạo từ phía các trường, vừa trang bị kiến thức khởi nghiệp cho sinh viên vừa kết nối với tổ chức, doanh nghiệp để tạo môi trường tiếp cận, trải nghiệm, kích thích khởi nghiệp.

“Đội ngũ giảng viên, cán bộ viên chức trong các trường đại học hiện nay chưa có sự quan tâm đúng mức đối với việc giáo dục tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên. Để khởi nghiệp thành công trước hết phải xuất phát từ bản thân của sinh viên. Thế nhưng, để có được ý tưởng và hành động khởi nghiệp thì bên cạnh các yếu tố tự thân sinh viên còn có sự ảnh hưởng của gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, nhà trường đóng vai trò hết sức quan trọng”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Phụng, Trưởng khoa Tài chính – Kế toán Trường Đại học Sài Gòn cho biết.

Thực tế cho thấy, khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ nói riêng có tỷ lệ thành công khá thấp (dưới 50%). Người khởi nghiệp cần trang bị cho mình không chỉ kiến thức, mà còn cả ý chí kiên định và khát khao thành công. Thời sinh viên là giai đoạn tốt nhất để tiếp thu những kiến thức, kỹ năng đó và trọng trách của trường ĐH là tối quan trọng. Song, nếu trường ĐH làm đơn lẻ một mình thì kết quả đạt được chắc chắn sẽ không cao.


TIN LIÊN QUAN

Nội dung đang cập nhật...