Nguyên tắc dạy con khác biệt của những người thành công bậc nhất thế giới
Cựu tổng thống Obama: Nói không với tivi và đi ngủ lúc 8h tối
Nguyên tắc này có vẻ khá lạ lẫm với phần đông các gia đình đang nuôi con nhỏ hiện nay, thế nhưng, với gia đình ông Obama, điều này đã được áp dụng từ lâu. Biết được tác hại và ảnh hưởng không tốt của việc sử dụng tivi quá nhiều, chia sẻ trên tờ People, ông Obama cho biết: 2 con gái Malia và Sasha chỉ được xem tivi vào những ngày cuối tuần và giới hạn được xem các chương trình trên kênh Nickelodeon (kênh thiếu nhi dành cho lứa tuổi 7-17 tuổi) và Disney Channel (kênh phim hoạt hình dành cho thiếu nhi).
Bà Obama tâm sự: "Chúng tôi khá nghiêm khắc đối với vấn đề này và đặt ra nhiều quy định. Trong tuần, các con không được dùng điện thoại và xem tivi trừ khi liên quan đến việc học - bọn trẻ ngày nay thường học nhóm qua video chat. Mỗi lúc đó, tôi thường vào phòng các con để đảm bảo chúng đang nói về chuyện việc học hành".
Tuy nhiên, cựu Tổng thống Obama vẫn đưa ra một ngoại lệ: "Tôi vẫn luôn chào đón và ủng hộ những lúc các con muốn xem bóng đá cùng tôi. Nhưng tất cả đều nằm trong giới hạn". Mặc dù giới hạn thời gian và nội dung xem trên tivi, nhưng 1 số kênh vẫn được cho phép như kênh Discovery bởi họ biết Malia và Sasha là những fan hâm mộ lớn của chương trình "American Idol", "Hannah Montana" và Cheetah Girls.
Nổi tiếng là những bậc phụ huynh tâm lý, lắng nghe ý kiến và yêu chiều các con song vợ chồng cựu Tổng thống Mỹ vẫn có những quy định khắt khe để đảm bảo sức khỏe và duy trì thói quen tốt cho hai cô con gái.
Một nguyên tắc khác được gia đình cựu Tổng thống Mỹ áp dụng đó là đi ngủ lúc 8h tối. Việc này giúp những đứa trẻ nhà Obama có giấc ngủ sâu, sức khỏe tốt và có thể dậy sớm vào buổi sáng ngày hôm sau để bắt đầu một ngày mới tràn đầy năng lượng. Trên thực tế, các nhà khoa học đã chứng minh lợi ích của việc cho trẻ đi ngủ sớm và khuyến khích các gia đình rèn con lên giường trước 9h tối, thế nhưng, nhiều bậc phụ huynh vẫn "coi thường" thói quen này và sau đó phải trả giá bằng việc "vật lộn" với lũ trẻ vào buổi sáng, khi chúng đi ngủ lúc 23h và không thể dậy để đi học vào buổi sáng.
Tỷ phú Bill Gates: Không cho phép con sử dụng điện thoại, máy tính bảng
Trong khi nhiều bậc phụ huynh cho con tiếp xúc với điện thoại, máy tính bảng khi chúng mới chỉ 1-2 tuổi thì tỷ phú công nghệ Bill Gates - cũng là cha của 3 nhóc tỳ, 2 gái và 1 trai, lại không cho phép các con sử dụng chúng cho tới khi tròn 14 tuổi. Ở nhà của Gates, không có chuyện những đứa trẻ dán mắt vào các thiết bị di động, xem hoạt hình, chơi game hay chat chit bằng máy tính bảng.
Bill Gates thừa nhận, các con ông vẫn thường phàn nàn vì không thể sở hữu các thiết bị khác nhau trong khi các bạn đã có. Tuy nhiên, vợ chồng ông vẫn giữ nguyên quan điểm.
Ngay cả khi các con đến 14 tuổi, được phép sử dụng các thiết bị thông minh, gia đình ông cũng áp dụng một vài quy tắc cơ bản:
- Thiết bị thông minh chỉ có thể được sử dụng để làm bài tập về nhà hoặc trò chuyện cùng bạn bè.
- Các con không được phép dùng bất kỳ thiết bị nào trong khi ăn hoặc trước khi đi ngủ.
- Cha mẹ có quyền giới hạn thời lượng sử dụng thiêt bị thông minh.
Hơn nữa, các con ông không hề đòi hỏi cha mẹ mua các thiết bị của Apple và vẫn hài lòng khi sử dụng điện thoại thông minh và máy tính xách tay với hệ điều hành Windows. Điều này hoàn toàn trái ngược với số đông phụ huynh hiện nay khi không khó để bắt gặp những thiếu niên mới chỉ ở độ tuổi 12-16 đã có thể sử dụng Iphone hay Samsung thế hệ mới nhất.
Bậc phụ huynh nào cũng biết những tác hại của các thiết bị công nghệ tới sức khỏe và tinh thần của trẻ nhỏ song không phải ai cũng đủ quyết tâm và kiên định như Bill Gates trong cách nuôi dạy con.
COO Facebook - Sheryl Sandberg - dạy con: "Nếu cần hãy cứ khóc"
Trong khi nhiều bà mẹ luôn lo lắng, chăm sóc con một cách thái quá, khiến chúng bối rối khi bắt đầu vào "trường đời", bà Sheryl luôn truyền nhiệt và dạy con sự can trường, để chúng mạnh mẽ, vượt qua những sóng gió, thậm chí là mất mát trong cuộc đời, ngay từ khi còn nhỏ tuổi.
Theo bà, sự can trường khiến lũ trẻ mạnh mẽ hơn, tìm được niềm vui trong cuộc sống và thành công. Tin tốt là sự can trường không phải một tính cách bẩm sinh. Chúng ta không được sinh ra với sự can trường. Phẩm chất ấy như những cơ bắp mà lũ trẻ có thể rèn luyện theo năm tháng.
Thế nhưng, cùng với việc dạy con rèn luyện sự can trường, bà cũng khuyến khích con thể hiện cảm xúc của bản thân, cho dù đó chẳng phải là một nụ cười mà là những giọt nước mắt hay sự cáu giận để giúp chúng vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Bà gọi đó là "nguyên tắc trong gia đình":
"Nếu buồn cứ buồn, và nếu cần hãy cứ khóc.
Nếu vui, các con hãy cười thoải mái
Nếu các con thấy ghen tị với những bạn bè hay họ hàng vì họ vẫn có cha, các con có quyền giận dữ
Nếu các con không muốn nói về nó, điều đó hoàn toàn bình thường
Nếu cảm thấy không ổn, hãy hỏi giúp đỡ".
Sheryl muốn các con được tự do bày tỏ cảm xúc, cho dù đó là sự giận dữ.
Howard Schultz khuyến khích con theo đuổi niềm đam mê, ngay cả khi chẳng liên quan tới kinh doanh
Xuất thân từ khu ổ chuột ở Brooklyn, từng trải qua những tháng ngày bán máu để có tiền trang trải học phí, chàng trai nghèo khổ Howard Schultz vượt qua biết bao khó khăn để trở thành một trong những doanh nhân quyền lực thế giới khi sở hữu cả một đế chế cà phê hùng mạnh Starbucks với quy mô thế giới.
Trải qua tuổi thơ không êm đềm khi thường xuyên phải chứng kiến cảnh bố mẹ tranh cãi nhau về việc đi vay tiền hay phải trả lời những cuộc điện thoại của chủ nợ, Howard luôn khuyến khích con cái đi theo niềm đam mê, con đường riêng, ngoài việc kinh doanh của gia đình.
Howard nhắn nhủ con trai rằng: "Cha đã thấy quá nhiều con cái của những người thành công đi theo con đường kinh doanh của gia đình. Cha nhận thấy, nếu ép con hay chị gái con làm việc ở Starbucks, các con sẽ phải chịu rất nhiều áp lực. Cha mẹ sẽ giúp đỡ nếu con cần, nhưng con nên theo đuổi giấc mơ của riêng mình, đam mê của con và làm nên những điều tốt đẹp".
Howard nhấn mạnh với con trai điều cuối cùng: "Đừng là người đứng ngoài cuộc đời của chính mình, hãy dấn thân, hãy gắn kết, khám phá mọi thứ con muốn và làm nên sự khác biệt".
Theo Nhịp sống kinh tế