• :
  • :

Nam Trung Bộ ứng phó hạn hán gia tăng cùng BĐKH

 

Ông Trương Đức Trí (ảnh) - Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu

Để tìm hiểu sự gia tăng mức độ khắc nghiệt, xu thế biến đổi của hạn hán trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tìm giải pháp ứng phó ở khu vực Nam Trung Bộ, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Trương Đức Trí (ảnh) - Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, người đã có nghiên cứu, phân tích về sự biến đổi của hạn hán trong 50 năm qua ở khu vực này.

 

    PV: Xin ông cho biết sự gia tăng mức độ khắc nghiệt của hạn hán ở khu vực Nam Trung Bộ thể hiện như thế nào trong bối cảnh BĐKH?

     

    Ông Trương Đức Trí: Trong 50 năm qua (1961 - 2010), ở khu vực Nam Trung Bộ (bao gồm: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận), nhiệt độ trung bình năm (NĐTBN) có xu thế tăng trên toàn khu vực, mức tăng trung bình là 1,12oC, trong đó, các tỉnh phía Nam của khu vực (Ninh Thuận và Bình Thuận) tăng cao hơn các tỉnh phía Bắc của khu vực (Phú Yên và Khánh Hòa).

     

    Lượng mưa năm, lượng mưa mùa mưa và lượng mưa mùa khô đều có xu thế tăng, song tăng mạnh ở các tỉnh phía Bắc khu vực. Riêng trong mùa khô, lượng mưa có xu thế giảm ở các tỉnh phía Nam khu vực. Các kết quả nghiên cứu cho thấy: Hạn nhẹ có xu thế giảm, ngoại trừ phía Nam tỉnh Bình Thuận; hạn nặng có xu thế giảm ở tỉnh Phú Yên, phía Bắc tỉnh Khánh Hoà và tăng ở các vùng còn lại; riêng hạn rất nặng có xu thế tăng trên toàn khu vực, ngoại trừ Khánh Hòa.

     

    Trong các giai đoạn đầu, giữa và cuối thế kỷ 21, kết quả nghiên cứu, phân tích cho thấy, khi sử dụng kịch bản nồng độ khí nhà kính trung bình thấp (RCP4.5), NĐTBN tăng theo thời gian; lượng mưa có xu hướng tăng, song tăng chủ yếu trong mùa mưa và có xu thế giảm trong mùa khô. Ước tính đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ tăng khoảng 1,6oC; lượng mưa mùa mưa tăng khoảng 28% và lượng mưa mùa khô giảm khoảng 22%.

     

    Đối với kịch bản nồng độ khí nhà kính cao (RCP8.5), xu thế và mức độ biến đổi của nhiệt độ và lượng mưa lớn hơn ở kịch bản RCP4.5. Theo đó, vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ có thể tăng đến 3,1oC, lượng mưa mùa mưa tăng đến 36% và lượng mưa mùa khô giảm khoảng 28%. 

     

    Sử dung Bộ chỉ số hạn Palmer để xác định sự biến đổi của hạn hán cho các giai đoạn đầu, giữa và cuối thế kỷ 21 cho thấy các kết quả: Số tháng hạn theo mùa và năm tăng theo thời gian ở cả kịch bản RCP4.5 và RCP8.5; Số đợt hạn tăng và thời gian kéo dài đợt hạn giảm ở các tỉnh phía Bắc của khu vực trong cả kịch bản RCP4.5 và RCP8.5. Ngược lại, ở các tỉnh phía Nam của khu vực, số đợt hạn giảm và thời gian kéo dài đợt hạn tăng, đặc biệt là ở giai đoạn giữa và cuối thế kỷ 21; Số tháng hạn rất nặng tăng trên toàn khu vực, ở cả giai đoạn đầu, giữa và cuối thế kỷ 21, Ninh Thuận là tỉnh có số tháng hạn rất nặng tăng cao nhất.

     

    PV: Theo ông, BĐKH ở khu vực này, giải pháp ứng phó nào được xác định là tối ưu và bền vững?

     

    Ông Trương Đức Trí: Để ứng phó hiệu quả với tình trạng hạn hán gia tăng, cần có các giải pháp đồng bộ, tổng thể, phù hợp. Tăng khả năng trữ nước là giải pháp quan trọng nhất nhằm tăng lượng nước cung cấp cho sản xuất, dân sinh và môi trường. Giải pháp này bao gồm: Xây dựng, nâng cấp các hệ thống công trình thủy lợi, đặc biệt là các hồ chứa nước; phát triển và bảo vệ rừng kết hợp với việc xây dựng các đập dâng trong khu vực để đẩy nhanh quá trình tái tạo rừng, tạo lớp phủ thực vật, tăng lượng nước ngầm và dòng chảy sông, suối vào mùa khô.

     

    Để nâng cao hiệu quả sử dụng nước, các địa phương có thể áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm đối với cây lúa và các loại cây trồng có giá trị kinh tế như điều, nho, thanh long… Bên cạnh đó, kiên cố hóa hệ thống kênh, mương thủy lợi để hạn chế thất thoát trong quá trình dẫn nước. So với việc dẫn nước bằng kênh đất, kênh được kiên cố hóa giảm được phần lớn lượng nước tổn thất, đồng thời giảm thời gian dẫn nước.

     

    Một trong những biện pháp đang được áp dụng nhiều hiện nay là tối ưu hóa hệ thống canh tác nông, lâm nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng và cơ cấu mùa vụ, giảm diện tích trồng lúa kém hiệu quả hoặc không chủ động nguồn nước để chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế, đã thích nghi với môi trường tự nhiên, có khả năng chịu hạn tốt như cây điều, nho, thanh long,... hoặc trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò, dê, cừu.

     

    Sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi cần được quy hoạch dựa trên khả năng đáp ứng của nguồn nước; đồng thời, cần có kế hoạch chuyển đổi sang tập đoàn cây trồng phù hợp với quy luật di chuyển từ vành đai vĩ độ thấp đến vành đai vĩ độ cao.

     

    Một giải pháp quan trọng không kém là cần tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong việc quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước.

     

    PV: Để những kết quả nghiên cứu khoa học mang đến những ích lợi thiết thực cho người dân sống trong vùng hạn hán, các địa phương cần có động thái gì, thưa ông?

     

    Ông Trương Đức Trí: Cùng với các giải pháp ứng phó với hạn hán gia tăng nêu trên, các Bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương thuộc khu vực Nam Trung Bộ tiếp tục nghiên cứu, tích hợp yếu tố gia tăng mức độ khắc nghiệt của hạn hán vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và từng địa phương, đặc biệt là tích hợp vào quy hoạch, kế hoạch sản xuất nông nghiệp.

     

    Địa phương cần nhanh chóng xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân trong việc dự báo, cảnh báo và ứng phó với hạn hán. Xây dựng, ban hành chế tài xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân trong việc khai thác, sử dụng không hiệu quả nguồn nước và làm suy giảm chất lượng nước, gây ô nhiễm môi trường nước.

     

    Chính quyền ở các tỉnh nên xây dựng mô hình tổ chức có chức năng quản lý và giám sát hạn hán khu vực Nam Trung Bộ nhằm quản lý thống nhất việc khai thác, sử dụng nguồn nước; đồng thời, xây dựng và tổ chức triển khai quy hoạch phòng chống hạn hán; phòng, chống ô nhiễm môi trường nước và phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm trên toàn khu vực.

     

    PV: Trân trọng cảm ơn ông!

     

     

    (Theo Khánh Ly - monre.gov.vn)

    Lượt xem: 230
    Nguồn:hawking.edu.vn Sao chép liên kết
    TIN LIÊN QUAN