• :
  • :

Mục tiêu giáo dục và giáo dục mở

Việc nghiên cứu thấu đáo về hệ thống GD, trong đó có hệ thống GD mở theo quan điểm của Nghị quyết 29/TW ngày 4/11/2013: “Đổi mới hệ thống GD theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức GD, đào tạo…”(quan điểm 5) và “Hoàn thiện hệ thống GD quốc dân theo hướng hệ thống GD mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập” (nhiệm vụ giải pháp 4) là việc làm cấp thiết và quan trọng. 

Khi có đủ căn cứ khoa học và thực tiễn sẽ có định hướng đúng để thiết kế và tổ chức hoạt động GD cho hiện tại và tương lai.

 

Sự cần thiết và căn cứ khoa học tiếp cận GD mở

 

GD mở trước hết xuất phát từ con người, cho con người và vì con người (tư tưởng nhân văn); đảm bảo cho tư tưởng khai phóng (tự do cá nhân); mở là coi trọng thực tiễn (thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lí); mở là tạo không gian và thời gian, điều kiện để chủ thể chủ động, tích cực tham gia.

 

Mục tiêu giáo dục và giáo dục mở

 

Ví dụ giáo viên với chương trình, học sinh với việc học… GD mở đã tạo ra những suy nghĩ khác: Người dạy không duy nhất là giáo viên, người học không nhất thiết phải cùng độ tuổi, học liệu không hẳn là sách giáo khoa, kết quả học không chỉ là điểm số, lớp học không đồng nhất là không gian, thời gian cụ thể… Quan niệm của chúng ta phải thay đổi: Tại sao đến trường mới là đi học? Không đến trường có nghĩa là không đi học? Thật ra những câu hỏi đã lỗi thời bởi đã có GD mở.

 

Vấn đề ở đây là cách tiếp cận về GD mở như thế nào? Có nhiều cách tiếp cận hệ thống, tiếp cận giá trị… Sau đây là một vài suy nghĩ từ mục tiêu GD (được diễn đạt trong Luật GD) để hiểu sâu thêm về GD mở.

 

Những kiến thức cơ bản của khoa học GD đã xác định 4 yếu tố tham gia vào quá trình hình thành nhân cách con người gồm: Di truyền (sinh học), môi trường, GD, tự hoạt động cá nhân. Tuy nhiên, giá trị, ý nghĩa, tác dụng và đặc biệt là vai trò của 4 yếu tố này rất khác nhau trong mối quan hệ ràng buộc. Nếu di truyển có vai trò nền tảng, môi trường có vai trò quyết định, hoạt động cá nhân có vai trò quyết định trực tiếp, thì GD có vai trò chủ đạo đối với 3 nhân tố còn lại để hình thành phát triển nhân cách con người.

 

Như vậy, GD không phải là nhân tố quyết định trực tiếp đến chất lượng con người. GD là chủ đạo ở việc sử dụng những ưu điểm của di truyền, những tích cực của môi trường và tính tích cực của cá nhân để thúc đẩy phát triển con người; đồng thời khắc phục khiếm khuyết của di truyền, ngăn chặn tác động xấu của môi trường và kiềm chế những nhu cầu tiêu cực của cá nhân để GD, uốn nắn con người.

 

Do vậy giá trị cao nhất của GD trong quan hệ này là ở chỗ chủ đạo. Hiểu đúng điều này để xác nhận sự “đóng góp” của GD đối với phát triển con người là hàm ý tạo cơ hội và điều kiện là chủ yếu, thúc đẩy các nhân tố tích cực để quá trình phát triển nhân cách con người phải do chính con người đó quyết định… Tránh cách hiểu không đúng về trách nhiệm GD nhà trường là duy nhất, GD là “vạn năng” đối với sự phát triển của trẻ.

 

Xuất phát từ tiền đề: Sự lựa chọn và định hướng tự do của người học sẽ nâng cao chất lượng việc học, đối chiếu với nghiên cứu của John Dewey (1859 - 1952) cũng tin ở hiệu quả của quá trình học tư duy thông qua giải quyết các vấn đề thực và quan niệm nhà trường phải là xã hội thu nhỏ, gắn chặt với gia đình, cộng đồng và xã hội. Còn theo Jean Piaget (1896 - 1980), người học chính là kiến trúc sư của sự tăng trưởng tri thức của mình. Như vậy, chẳng những GD phải mở để nhiều người có thể tiếp cận, mà còn phải mở để người học có thể chủ động tham gia quá trình GD.

 

Mâu thuẫn giữa “đóng” và “mở”?

 

Từ những căn cứ trên, tìm hiểu về mục tiêu GD (Điều 2 - Luật GD, 2015) “Mục tiêu GD là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, tôi thấy, nếu cách diễn đạt như trên, có mấy vấn đề sau đây cần làm rõ: “Mục tiêu GD là đào tạo…” thì từ “...là đào tạo” thường dẫn đến cách hiểu chữ GD ở đây (nghĩa rộng) bó hẹp trong GD nhà trường vì “là đào tạo”.

 

Trong khi mục tiêu của GD là hình thành và phát triển nhân cách con người và để hình thành nhân cách con người, GD (nhà trường) chỉ là một con đường (không phải là duy nhất), còn các con đường khác: Lao động, hoạt động và giao lưu của chủ thể tiếp ứng, chuyển hóa ảnh hưởng tác động của môi trường vào cá nhân để trưởng thành... (“việc học lấy tự học làm cốt” - Hồ Chí Minh).

 

Có thể thấy có mâu thuẫn giữa “đóng và mở” trong cách diễn đạt này. Vì nếu “GD là đào tạo” (đóng) mâu thuẫn với với (mở) “phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo…”.

Với cách tiếp cận giá trị, có thể xác định lại mục tiêu GD là: Phát triển toàn diện con người Việt Nam... thay vì: Đào tạo con người Việt Nam... cách tiếp cận này được lí giải như sau:

 

Phát triển toàn diện con người là định hướng rộng về phương thức, tạo điều kiện, xác định rõ mục tiêu “phát triển toàn diện con người” - tư tưởng khai phóng, tự do và dân chủ, khác với mục tiêu “con người Việt Nam phát triển toàn diện” chỉ thể hiện sự kì vọng không dễ thực hiện nếu chỉ trong phạm vi GD nhà trường;

 

Do vậy, nếu diễn đạt: Mục tiêu GD là phát triển toàn diện con người... có thể thể hiện đầy đủ hơn về ý tưởng GD khai phóng, logic với ý đã bổ sung và đồng thuận với vế sau: “...Phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân...”; đồng thời chữ GD ở đây được hiểu rộng hơn, hàm chứa tư tưởng tạo điều kiện (tự học) để con người phát triển hơn là phạm vi GD nhà trường (đào tạo).

 

Mặt khác cũng phù hợp với cách diễn đạt ở các điều sau của Luật GD: “Mục tiêu của GD phổ thông là giúp học sinh phát triển toàn diện...; GD tiểu học nhằm hình thành...; GD THPT nhằm củng cố và phát triển...”.

 

Trong điều 5, khoản 1: “Nội dung GD phải phù hợp với sự phát triển về tâm sinh lí lứa tuổi của người học…” nội dung này phải được đưa lên hàng đầu vì yêu cầu phù hợp với lứa tuổi là quan trọng nhất (và cũng khó nhất) nên cần đưa trước các yêu cầu khác: Cơ bản, toàn diện...với hàm ý xuất phát từ người học.

 

Trong thời đại thông tin hiện nay và tương lai cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thì yêu cầu trên lại càng quan trọng để phân biệt, như vậy, tiêu chí để lựa chọn “nội dung” phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lí người học phải là then chốt.

 

Đặc biệt, nghiên cứu “Thư gửi cho học sinh”, ngày 5/9/1945 của Bác Hồ đã có đoạn Bác viết: “…Một nền GD làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Tư tưởng của Bác Hồ đã đặt nền tảng để chúng ta xây dựng nền GD dân chủ, khai phóng, sáng tạo trên nền tảng GD mở.

 

Triển khai hệ thống GD mở cần xuất phát từ quan niệm mới về mục tiêu GD sẽ góp phần khắc phục những hạn chế yếu kém của GD (theo đánh giá của NQ 29/TW) bởi các nguyên nhân: “Mục tiêu GD toàn diện chưa được hiểu và thực hiện đúng. Bệnh hình thức, hư danh, chạy theo bằng cấp... chậm được khắc phục, có mặt nghiêm trọng hơn. Tư duy bao cấp còn nặng, làm hạn chế khả năng huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho GD, đào tạo”.
 
Theo GS.TS Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng Trường ĐHSP - ĐH Thái Nguyên/GDTĐ
Lượt xem: 266
Nguồn:hawking.edu.vn Sao chép liên kết
TIN LIÊN QUAN

Nội dung đang cập nhật...