Khai phá sự sáng tạo của học sinh
Thầy thiết kế - trò thi công
Dạy học theo dự án là xu hướng giáo dục tích cực và nó tạo ra luồng sinh khí mới, kích thích sự sáng tạo, triệt tiêu dần cách dạy truyền thống thụ động, tiếp thu kiến thức một chiều từ thầy cô. Chỉ trong một thời gian ngắn phát động, cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin” năm 2016 của ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) TPHCM đã gặt hái được thành quả ngoài mong đợi.
Tuy các giáo viên khởi xướng, đứng tên dự án, nhưng việc tạo ấn tượng, lan tỏa các giá trị nhân văn, ứng dụng thực tiễn, quảng bá sản phẩm… lại do học sinh làm. Sự tương tác “thầy thiết kế - trò thi công” đã tạo ra những sản phẩm dạy học sáng tạo, gây bất ngờ với thầy cô, học sinh. Điều này đã minh chứng rằng học sinh ở các cấp, từ nội thành đến ngoại thành, đều tiềm ẩn tố chất thông minh, năng động và tự tin. Có nhiều em thuyết trình lưu loát như những diễn giả và tự tin giới thiệu về các sản phẩm thực học, thực hành - thu hoạch từ làm dự án. Bước ra khỏi trang sách nặng lý thuyết, các em được trải nghiệm thực tế phong phú, đa dạng, tích lũy kỹ năng mềm và làm giàu hành trang cuộc sống. Đơn cử, dự án “Tự hào nông sản Việt” đã giúp học sinh lớp 10 Trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý khám phá nhiều điều thú vị của nông sản Việt. Khi hóa thân, nhập vai vào các vị trí công việc, nghề nghiệp như kỹ sư nông nghiệp, chuyên viên tư vấn dinh dưỡng, đầu bếp chuyên nghiệp, người nông dân, nhà làm phim, nhân viên in ấn…, các em mở rộng tầm nhìn, sẻ chia với cuộc sống xung quanh nhiều hơn. Kết hợp ba bộ môn Công nghệ, Sinh học và Tin học, các em đã tạo ra những sản phẩm gồm tiểu luận, brochure, bài thuyết trình powerpoint, poster, video.
Cô Nguyễn Thị Thảo Sương, phụ trách dự án này, chia sẻ: “Tham gia dự án vừa giúp cho các em học sinh vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn, vừa giúp phát triển các kỹ năng mềm; đồng thời, hình thành thái độ trân trọng với nguồn tài nguyên nông sản của đất nước, giáo dục thế hệ trẻ về trách nhiệm phát triển các loại nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế”. Không chỉ khám phá các ý tưởng theo sở thích về kiến thức dinh dưỡng, kỹ thuật trồng trọt, bảo quản sản phẩm nông nghiệp, mà các em còn phát huy những kỹ năng quay phim, diễn xuất, thuyết trình...
Mở rộng dạy học theo dự án
Thực tế cho thấy, triển khai phương pháp dạy học theo dự án, kết hợp kiến thức liên môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin đã thu hút sự say mê học tập, nghiên cứu tìm tòi của học sinh. Mỗi dự án là một ý tưởng thể hiện tư duy sáng tạo, lột tả nhiều đề tài phong phú, đa dạng, gần gũi với cuộc sống. Điều gây bất ngờ là ngoài những đề tài mang tính thời sự, bảo vệ môi trường, thiên nhiên, nuôi dưỡng giá trị sống nhân văn, còn có rất nhiều sản phẩm sáng tạo được làm từ những vật liệu tái chế như chai nhựa, thủy tinh, bình ga mini cũ, muỗng nhựa… Và khi chiêm ngưỡng mô hình tái hiện “Đồi A1 - bản hùng ca Việt Bắc”, xem phóng sự - phim ngắn của dự án “Việt Bắc” do nhóm học sinh lớp 12A Trường THPT Marie Curie thực hiện, các chuyên gia giáo dục phải thốt lên: “Không ngờ sản phẩm thể hiện tính chuyên nghiệp cao như thế!”. Theo cô Đặng Thị Uyên, phụ trách dự án này, không chỉ hào hứng tham gia dự án và cống hiến hết mình với từng công việc được giao phó như viết kịch bản, in ấn, thiết kế, quay phim…, mà các em còn vận dụng linh hoạt kiến thức liên môn Văn, Sử, Địa, Mỹ thuật, Tin học để tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính sáng tạo cao.
Chia sẻ những cái được khi tham gia dự án “Đánh thức trái tim”, Khánh Vy, học sinh lớp 11 Trường THPT Tam Phú, hào hứng cho biết: “Tham gia dự án, chúng em được trang bị kỹ năng để giải quyết các vấn đề “phức tạp, có thật” bằng kiến thức liên môn đã được học. Kết quả của việc học chính là sản phẩm của dự án”.
Bằng tâm huyết muốn thay đổi cách dạy học theo xu hướng tích cực, giúp người học phát huy sở trường, năng lực chuyên biệt, trang bị kỹ năng mềm, nhiều giáo viên đã đầu tư cho sản phẩm dạy học sáng tạo và điều này đã lôi cuốn học sinh tự nguyện tham gia, ham thích đến trường. Nhận định về những sản phẩm dạy học theo dự án được đánh giá cao tại cuộc thi cấp thành phố, thầy Nguyễn Hồng Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và chương trình giáo dục của Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết: “Học sinh của thành phố tiềm ẩn tính sáng tạo rất cao và khi tham gia học theo dự án, các em đã phát huy, bộc lộ sở trường, năng lực chuyên biệt, những kỹ năng cần thiết của thế kỷ 21. Từ hiệu ứng tích cực của chương trình dạy học theo dự án, Sở GD-ĐT mong muốn có thêm nhiều trường, nhiều giáo viên đồng hành và phụ huynh ủng hộ để các em có môi trường thể hiện tài năng”.
Nguồn: Giáo dục Online