Giảng viên trẻ khuyên sinh viên không làm nô lệ của đồng tiền
Th.S Bùi Nguyên Bảo (sinh năm 1992), giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nghiên cứu sinh tiến sĩ trẻ nhất tại Học viện Ngoại giao Việt Nam, đưa ra lời khuyên cho sinh viên năm nhất qua câu chuyện thời sinh viên của mình.
Đừng bao giờ trở thành nô lệ của đồng tiền thời sinh viên
Tôi cũng như các bạn, nhận viện trợ của bố mẹ cho đến tận năm hai. Khi vào năm nhất, tôi hạ mục tiêu đến năm ba phải tự chủ tài chính để sau khi ra trường không chịu áp lực phải đi làm ngay.
Thời phổ thông, sau sáu năm viết báo, tôi để dành nhuận bút được 20 triệu đồng và tự mua laptop ra Hà Nội học đại học. Khi tốt nghiệp đại học, tôi có 100 triệu nhưng bây giờ thì hết sạch vì tôi đã chi trả cho khóa học thạc sĩ ngay sau đó cũng như việc tồn tại ở nơi đắt đỏ như Hà Nội.
Số tiền này, tôi đã rất vất vả mới có được, bằng tất cả công việc đã làm ở Hà Nội, từ bán đĩa hội chợ, viết kịch bản, thu âm, làm MC cho đến thi các cuộc thi viết trên báo chí. Khoảng sáu, bảy năm trước, mỗi tháng sinh viên có thể được chi viện 1,5-2 triệu đồng, nếu có kế hoạch chi tiêu tốt thì dư sức sống ở Hà Nội.
Tôi rất không tán thành suy nghĩ sinh viên là phải ăn mì tôm, sống khổ sở trong những khu trọ ổ chuột, chạy vạy từng đồng. Nhiều bạn bè của tôi, dưới danh nghĩa nghèo, đã tự cho mình cái quyền kéo dài sự chi viện của bố mẹ, cho đến khi những phi vụ lô đề, cờ bạc… được phanh phui.
Có một chuyện rất đơn giản thế này, đối với tiền, hãy tạo ra những phong bì riêng và tôn trọng chúng. Để chúng ta không bao giờ rơi vào cảnh trốn chạy, như ông bà dạy An cư mới lạc nghiệp. Từ đầu tháng, những khoản tiền cố định như tiền nhà, điện nước, học phí, hãy ưu tiên giải quyết dứt điểm, dù sau đó có chết đói nhưng vẫn không bị cảm giác nơm nớp lo sợ.
Tốt nghiệp đại học, tôi có được một số cơ hội công việc về các cơ quan danh giá, nhưng tôi từ chối để có sáu tháng đi chơi. Mà tất nhiên, để có được sáu tháng tự do phiêu bạt đó, từ năm hai đại học, tôi đã đảm bảo được với bố mẹ là mình sẽ sống tốt, có đủ tiền trong sạch để ngao du thiên hạ sau đại học.
Khi đi kiếm tiền sớm, bạn bè sẽ hay hỏi những câu như Tiền để đâu cho hết?Tôi nổi tiếng cực kỳ không phóng khoáng về tiền bạc, không bao giờ chi tiền bao bạn bè nếu không có lý do đặc biệt. Năm tôi học lớp 6, cô giáo chủ nhiệm có dẫn tôi và một người đi ăn phở. Mỗi bát 15 nghìn. Tôi há hốc mồm kêu đắt. Cô nói với tôi “Người làm ra tiền cảm nhận khác người chưa làm ra tiền”. Tôi hiểu điều đó, khi đã kiếm được những đồng tiền từ mồ hôi nước mắt.
Kiếm tiền chân chính, có kế hoạch chi tiêu tốt, là cách để chúng ta không trở thành nô lệ của đồng tiền. Ngoài ra, phải nhớ không nên để dành tiền nhiều quá, kiếm được của xã hội thì trả về lại cho xã hội, đồng tiền không lưu thông sẽ gây hại cho nền kinh tế. Do đó, dù kiếm được 100 triệu như nói ở trên, tôi đều tìm cách trả lại cho xã hội, ví dụ đi học thạc sĩ hay làm từ thiện.
Th.S Bùi Nguyên Bảo khuyên sinh viên mới vào trường. |
Vóc dáng tự do, tinh thần độc lập
Dù đang học hay đã đi làm, tôi luôn nỗ lực để sở hữu sự tự do, độc lập trong cách nghĩ, cách làm việc, cách học. Nhiều người, bao gồm cả đàn em, đánh giá tôi là kẻ không thức thời, không chịu vong nô để có một sự nghiệp tốt, con đường chính trị hay đại loại là cái gì đó. Nhưng, tôi có một quan điểm là không bao giờ sống bằng ước mơ của người khác. Tôi chỉ cố gắng dung hòa mong muốn của mình với mọi người. Do đó, sự độc lập là điều rất cần dưới mái trường đại học, dù có thể phải trả giá.
Thời sinh viên, tôi không ngại một chức vụ gì. Bắt đầu từ những vị trí thấp nhất như Phó bí thư Chi đoàn, cho đến những công việc sinh động và “quyền bính” hơn như Đội trưởng Đội Văn nghệ xung kích của trường hay Bí thư Liên chi. Tôi không xin, hay trình bày nguyện vọng với ai về những nhu cầu đó. Mặt khác, tôi không bao giờ đứng về phe nào, hội nhóm nào để cấu kết hại kẻ khác, dù tôi đã được rủ rê nhiều. Tất nhiên, tôi đã không có nhiều cái tôi muốn, khi không đứng về một ai cả. Nhưng đổi lại, tôi có có sự thanh thản.
Thời sinh viên, nên tham gia hoạt động đoàn thể, câu lạc bộ, đội nhóm. Không tham gia thì thôi, đừng ý kiến về chuyện của người khác. Điều khiến chúng ta mất thời gian là hay suy nghĩ giúp kẻ khác, và luôn cố suy diễn theo ý của mình. Đó không phải độc lập mà đã âm thầm lệ thuộc.
Khi phải đứng trước một lựa chọn khó khăn, cứ làm đúng luật và đúng đạo lý là được. Sống thì phải khẳng khái, đừng có cúi đầu dễ dàng. Những cái cúi đầu hãy để dành cho các anh hùng, thầy cô, cha mẹ và những người mình kính trọng về nhân cách, trí tuệ.
Để giải quyết một vấn đề, trước tiên là không được sợ hãi. Tư tưởng sợ hãi và dễ dàng qụy lụy là điều rất tệ hại tồn tại trong một đất nước anh hùng và nhân văn. Chống đối hay bất cần cũng cần phải có cơ sở, có sự am hiểu và thực tiễn, lý và tình. Không nên khuyến khích sự nhiệt tình đi kèm ngu dốt. Chúng ta hãy cổ vũ cho sự khẳng khái, những điều đúng và sâu sắc.
Tôi có một giai đoạn được nhiều đơn vị mời phát biểu ở hội nghị, tham vấn của các tổ chức, hội nghề nghiệp. Bao giờ tôi cũng rất tâm huyết chấp bút cho những bài tham luận đó, dù có tiền hay không. Trong mỗi báo cáo của mình, phải có phong cách riêng, trong mỗi bài tham luận, phải có quan điểm riêng.
Ban đầu thì tôi được tán dương, vì tôi nói được làm được. Khi đi thi ứng tuyển ra Trường Sa, tôi đã nói với anh Bí thư Trung ương Đoàn và các giám khảo ba việc tôi sẽ làm khi trở về. Một là tổ chức triển lãm (tôi đi tháng 5/2013 thì tháng 3/2014, tôi tổ chức Triển lãm Thầy - trò và Trường Sa nhận được nhiều quan tâm của xã hội); hai là xây dựng phóng sự về Trường Sa, thông qua mạng xã hội tuyên truyền về biển đảo (trên Youtube vẫn còn một phóng sự về công việc này của tôi); ba là tổ chức hội trại Biển đảo quê hương (năm 2014, có một gian trại ở Học viện Báo chí mang tên HQ 604 - con tàu đã nằm lại mãi mãi ở Gạc Ma)…
Dần dần theo thời gian, tôi ít được mời đi phát biểu hơn. Chuyện này không lạ, khi còn học cấp hai, tôi hay được mời phát biểu phê bình - đóng góp cho tờ báo và đài phát thanh tỉnh nhà, sau mấy năm hăng hái quá, những lần tiếp theo, MC bao giờ cũng nói với tôi “Xin lỗi em hết giờ rồi” dù đã mời tôi phát biểu đầu buổi.
Việc đó xảy ra sau khi tôi phê phán tờ báo đã đăng sai tên Viện trưởng Kiểm sát Nhân dân tối cao. Còn nhớ một bài báo của tôi hồi năm lớp 6 đăng trên Tạp chí Người phụ trách đã làm một anh Bí thư Đoàn phường bị cảnh cáo. Kể những chuyện đó để các bạn thấy tôi không phải kẻ thức thời, rất ngu ngốc, nhưng tôi chưa bao giờ hối hận về những lựa chọn của mình.
Không định kiến
Trường học là của ai, tôi nghĩ trường học là của thầy cô, của sinh viên, của tự do học thuật. Sinh viên có thể đi đâu ngoài trường học? Mình không thể đi đâu thì cũng đừng ép kẻ khác đến đường cùng, dù chỉ là một chia sẻ trên mạng xã hội hay một lời nói không có căn cứ.
Tôi luôn có một ước vọng lớn, là nền giáo dục Việt Nam sẽ thật sự khách quan, dân chủ, công bằng và nuôi dưỡng biên độ sáng tạo rộng lớn cho người học, cho quá trình rèn luyện, hoàn thiện nhân cách của con người. Do đó, sự tôn trọng đa dạng trong trường học luôn phải được đề cao.
Từ khi còn là sinh viên, đến lúc là giảng viên, tôi luôn quan niệm rõ việc tôn trọng sự khác biệt, dù có lúc phải rất kiềm chế, nhưng mọi định kiến sẽ bóp nát sự tiến lên của con người. Ví dụ sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền có nhiều cá tính, và nhiều giới tính, có cả bộ phận yếu thế của trường học tồn tại song song các nhóm người khác. Nếu mình có quyền lãnh đạo, hoặc có sức ảnh hưởng, hãy cố gắng để sự khác biệt đó tìm thấy điểm chung. Các em mới vào trường hãy quen và tôn trọng điều đó, để đàn em sau này tôn trọng chính các em.
Thời đại học là cơ hội để chúng ta phát triển các mối quan hệ. Chỉ cần có năng lực và tư cách tốt, ngay cả những người không thích cũng không phủ nhận được mình. Đối với một sinh viên năm nhất, việc tôn trọng tiền bối là điều không cần phải dặn dò. Điều đó phải thực tâm, không bao giờ được giả dối khi đã quyết định ngưỡng mộ, tôn trọng ai đó.
Khi chúng ta tốt thì người khác sẽ không ái ngại giúp đỡ, vì họ tín nhiệm vào việc chúng ta sẽ làm được gì đó sau khi nhận những trợ giúp, từ tiền đến công việc. Ngược lại, cũng hãy là một tiền bối tốt, biết bao dung.
Hồi còn ở trường, tôi có công khai quan điểm, với sinh viên năm nhất thì phải che chở và tạo điều kiện cho các em, bỏ qua mọi lỗi lầm của các em. Có như thế, sau này khi thành anh chị, các em mới sống tốt như mình được. Nếu không, xã hội này loạn mất, khi người với người chỉ tranh đua nhau. Nếu cánh rừng bị cháy, cuộc đua còn giá trị gì nữa, thỏ phải cõng rùa trên lưng mà cùng chạy.
“Học tập là một việc phải tiếp tục suốt đời” – Hồ Chí Minh
Tôi có lẽ là một trường hợp lạ. Tính từ khi tôi đi học mầm non năm 1997, đến nay tròn 20 năm đi học liên tục không ngừng nghỉ qua ba cấp phổ thông, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Đối với tôi, học tập và nghiên cứu là đam mê, dù mình không phải người có tố chất lắm.
Ngay từ năm nhất, tôi đã cố gắng hạn chế mất thời gian cho những môn không quan trọng, và tập trung hơn cho các môn hoặc các sự kiện giúp mình rèn giũa được hai thứ kỹ năng và ngôn ngữ. Nghĩa là kết quả điểm số sẽ bị lệch. Tôi không sợ, theo tôi sinh viên chỉ cần có kỹ năng và ngôn ngữ (bao gồm Ngoại ngữ), thì sẽ không có gì đáng ngại khi tốt nghiệp.
Đối với các môn đại cương - lý luận chính trị, thường thì tôi thuộc bài ngay trên lớp và sử dụng kiến thực thực tế để học. Do đó, tôi không bao giờ được 9-10 điểm, mà chỉ được 8. Cô giáo dạy Chính trị học có nói với tôi “Bài em viết rất tốt, nhưng luôn thiếu một cái gì đó để được 9 điểm”. Tôi không bao giờ buồn hay có nhu cầu điểm cao, nhưng luôn hiểu là vì sao kết quả của mình tốt hoặc xấu và bình tĩnh đối diện với nó.
Năm nhất, tôi đã khóc khi trượt môn Pháp luật đại cương dù trên lớp cô khen tôi học giỏi nhất lớp. Sai lầm của tôi là trong lúc chủ quan, đã bỏ qua đúng một trang trong giáo trình về “Quan hệ pháp luật hành chính”, dù ở lớp tôi nổi tiếng có thể học được toàn bộ giáo trình.
Mỗi ngày tôi dành 1-2 tiếng để đọc báo, sau đó dành khoảng một tiếng đọc sách. Đến nay đã đọc khoảng 500 cuốn sách tính từ thời sinh viên. Khi đọc, tôi hay dùng giấy note viết lại những chỗ nào cần lưu ý. Cuốn “Con đường Hồi giáo” của tôi chằng chịt những tờ note đính kèm theo.
Trong túi xách tôi bao giờ cũng có một cuốn sổ tay, ra ngoài đường thắc mắc cái gì là phải ghi lại về nhà tìm hiểu ngay. Học tiếng Anh cũng thế, tôi không phải người có năng khiếu ngoại ngữ, tiếng Anh ban đầu lèm bèm. Nhưng được cái, tôi hay lên mạng đọc bằng tiếng Anh về những ca sĩ, diễn viên mình yêu thích, không bao giờ phải ép mình đọc VOA, hay BBC.
Tôi đỗ thủ khoa thi thạc sĩ Quan hệ quốc tế Học viện Ngoại giao chính là nhờ phương pháp rất tốt đó thời sinh viên. Hồi ôn thi thạc sĩ, tôi quyết định bỏ hết mọi thứ trong một tháng và tập trung ôn luyện. Thời gian biểu là từ 9h đến 10h học tiếng Anh (làm một bộ đề trong TEST B1 của Cambridge), cả buổi chiều ra quán cafe học chuyên ngành, và từ 0h00 đến 5h sáng là học Triết học Mác Lê nin. Năm đó tôi đạt 16/20 điểm, trở thành thí sinh thạc sĩ đầu tiên của Học viện Ngoại giao đạt 9 điểm Triết.
Tôi không tốt nghiệp đại học loại giỏi. Cách đây vài hôm, có một chỗ mời tôi về làm, bảo tôi gửi CV tôi mới nhớ mình chưa bao giờ làm CV vì chẳng chỗ nào đòi hỏi cái đó khi tuyển mình. Tôi mang hồ sơ đến xin việc ở báo Quốc tế - Bộ Ngoại giao hay xin thi làm giáo viên trường báo chí, đều rất rõ ràng, không cậy ai và không kỳ vọng. Nếu mình không được đồng ý thì phải tìm cơ hội khác. Nhưng tôi đã may mắn hơn nhiều bạn bè, là luôn được nhà tuyển dụng nhìn thấy tiềm năng của mình.
Khoảng năm năm đầu sau đại học, không nên o ép bản thân hay sống mãi trong cái ô của sự ổn định. Hãy lựa chọn thật nhiều trải nghiệm. Hãy xin việc bằng những gì người ta hiểu về bạn, đừng xin việc bằng những gì bạn cố tỏ ra với người ta.
Theo VnExpress