• :
  • :

Dệt may Việt Nam dần lấy lại sức cạnh tranh

Hàng dệt may Việt Nam bớt dần áp lực khi những quốc gia cạnh tranh xuất khẩu mặt hàng này gần như đã hết dư địa để tiếp tục giảm giá nội tệ.

Theo phân tích từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam, trong quý I/2024, ngoại trừ Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn mất giá lần lượt 34,7% và 8,5%, các quốc gia cạnh tranh như Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ gần như đã hết dư địa để tiếp tục giảm giá nội tệ hỗ trợ xuất khẩu.

Cụ thể trong quý I/2024, nội tệ của Bangladesh tăng giá 2,25% so với USD, Srilanka tăng giá 7,86% so với USD. Trong khi đó, Trung Quốc mất giá 2,07%, Ấn Độ mất giá 0,35%, Việt Nam mất giá 2,18% so với đồng USD.

Điều này phần nào giúp doanh nghiệp xuất khẩu, cũng như hàng dệt may của Việt Nam giảm bớt áp lực cạnh tranh so với các đối thủ.

Bình đẳng giới giúp ngành dệt may, da giày phục hồi tốt hơn sau đại dịch
Dệt may Việt Nam dần lấy lại sức cạnh tranh từ tỷ giá. Ảnh: Cấn Dũng

Cùng sự “dễ thở” hơn về vấn đề tỷ giá, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong quý đầu tiên của năm 2024 đã cải thiện đáng kể.

Thống kê cho thấy, tháng 3/2024, dệt may Việt Nam đạt 3,25 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế hết quý I/2024, đạt 9,4 tỷ USD, tăng 9,16% so với cùng kỳ.

Đây là quý đầu tiên kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam tăng trưởng trở lại sau 4 quý liên tiếp tăng trưởng âm trong năm 2023, bao gồm cả sợi và hàng dệt may”, Tập đoàn Dệt may Việt Nam thông tin.

Về thị trường xuất khẩu, trong tháng 3/2024, chỉ duy nhất thị trường châu Âu xuất khẩu dệt may của Việt Nam giảm so với cùng kỳ, ở mức 4,8%, đạt 283 triệu USD. Các thị trường lớn khác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc xuất khẩu đều tăng trưởng. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu đi Mỹ đạt 1,15 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ; Nhật Bản đạt 349 triệu USD, tăng 0,27%; Hàn Quốc đạt 345 triệu USD, tăng 2,2%; Trung Quốc đạt 284 triệu USD tăng 0,53%.

Lũy kế hết quý I/2024, tất cả các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đều tăng trưởng tốt. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đi Mỹ đạt 3,42 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ và tăng 271 triệu USD về mặt trị giá; xuất khẩu đi EU tháng 3 giảm 4,8% so với cùng kỳ tuy nhiên lũy kế 3 tháng vẫn tăng 3,2% đạt 855 triệu USD; xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt với kim ngạch đạt 1,02 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ. Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu khởi sắc khi kim ngạch đạt 0,82 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ, tăng 133 triệu USD về mặt trị giá.

Kết quả đạt được về xuất khẩu của ngành dệt may trong quý I/2024 được ghi nhận tích cực, là khởi đầu tốt cho ngành tăng tốc trong quý II/2024 và thành công “vượt dốc” 44 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm nay.

Cũng theo phân tích từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam, bức tranh kinh tế của các thị trường lớn của dệt may trong quý vừa qua tương đối khả quan.

Tại Mỹ, tăng trưởng GDP của Mỹ được dự đoán sẽ cao hơn vào năm 2024 ở mức 2,1% so với mức 1,4% trong dự báo tháng 12. Việc làm của Mỹ trong tháng 3/2024 vẫn duy trì ở mức 303.000 việc làm, cao nhất trong 10 tháng nay, tỷ lệ thất nghiệp tháng 3/2024 ở mức 3,8%, giảm 0,1% so với 2 tháng đầu năm 2024. Thị trường lao động vẫn mạnh khi FED giữ nguyên lãi suất.

Tại châu Âu, tháng 3/2024, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định vẫn giữ nguyên lãi suất sau 10 lần tăng lãi suất liên tục. Sau quyết định trên, 3 loại lãi suất chính của ECB là lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi đều lần lượt ở mức 4,5%, 4,75% và 4%. Lạm phát của châu Âu trong tháng 3/2024 giảm xuống ở mức 2,4%, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2023.

Kinh tế Nhật Bản chính thức thoát khỏi suy thoái kỹ thuật khi GDP quý IV/2023 được công bố vào tháng 3/2024 ở mức tăng 0,4% (so với ước tính giảm 0,4%).

Đây là yếu tố thuận giúp mở rộng hơn khả năng tăng cầu hàng dệt may, thúc đẩy tiêu dùng, cũng đồng thời có thêm cơ hội cho Việt Nam tăng xuất khẩu mặt hàng này.

Dù vậy, xét ở chiều không thuận, doanh nghiệp dệt may cũng được khuyến cáo cần chủ động trước những bất lợi. Trong đó, xung đột địa chính trị dai dẳng, phức tạp làm tăng các chi phí đầu vào của doanh nghiệp.

Cước tàu biển tăng cũng là vấn đề lớn, tính đến 11/4, giá cho 1 container ở ngưỡng 2.795 USD/container 40ft cao hơn gần gấp đôi so với mức trung bình năm 2019 (trước đại dịch) là 1.420 USD. Giá cước vận tải trong năm 2024 dự kiến vẫn sẽ cao hơn giá nền năm 2023. Chi phí cước vận tải cao làm gia tăng áp lực chi phí và làm giảm sức khỏe tài chính cho doanh nghiệp.

Tại thị trường trong nước, từ ngày 1/7, tiền lương tối thiểu vùng sẽ tăng ở mức 6% sẽ tạo ra áp lực không nhỏ đối với doanh nghiệp trong việc quản trị chi phí, duy trì và mở rộng lực lượng lao động để đón chờ đơn hàng mới.

Hải Linh

Lượt xem: 4
Nguồn:https://congthuong.vn/det-may-viet-nam-dan-lay-lai-suc-canh-tranh-315101.html Sao chép liên kết
TIN LIÊN QUAN

Nội dung đang cập nhật...