• :
  • :

Đạo đức kinh doanh giúp nhà quản trị phát triển doanh nghiệp bền vững

Đạo đức kinh doanh được coi là tập hợp các nguyên tắc, chuẩn mực, có tác dụng điều chỉnh, đánh giá, hướng dẫn và kiểm soát hành vi của các chủ thể kinh doanh.

Vừa góp phần củng cố chất lượng và uy tín của doanh nghiệp trong tâm trí khách hàng, vừa tăng cường sự cam kết và tận tâm của nhân viên, đạo đức kinh doanh đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Đạo đức kinh doanh ngày càng giữ vai trò quan trọng trong quản trị doanh nghiệp. Nó không những góp phần củng cố chất lượng và uy tín của doanh nghiệp, làm hài lòng khách hàng, tăng cường sự cam kết và tận tâm của nhân viên, dẫn đến việc không chỉ tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và sự vững mạnh của nền kinh tế quốc gia.

Đạo đức cũng như tài chính đều là những bài toán khiến nhà quản trị phải đau đầu.

Các nguyên tắc và chuẩn mực chủ yếu của đạo đức kinh doanh bao gồm sự trung thực và tôn trọng con người, gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của khách hàng và xã hội, không kiếm lời bằng việc lừa dối khách hàng, hủy hoại môi trường hay bóc lột sức lao động.

"Bản hướng dẫn về bảo vệ người tiêu dùng" của Liên Hiệp Quốc đã nêu ra 8 quyền cơ bản của bất cứ người tiêu dùng bình thường nào.

Đó là các quyền được thỏa mãn những nhu cầu cơ bản, được an toàn, được thông tin, được lựa chọn sản phẩm hay dịch vụ, được lắng nghe (được đại diện), được bồi thường, được giáo dục về tiêu dùng, và được có một môi trường lành mạnh và bền vững.

Trong thực tế, không phải khi nào các quyền cơ bản nêu trên cũng được tôn trọng. Chẳng hạn, người ta thường nhấn mạnh khái niệm "người tiêu dùng thông minh", nhưng người tiêu dùng bình thường khó có điều kiện hay cơ hội để "thông minh" nếu không được thông tin đầy đủ và chính xác về sản phẩm.

Chưa nói đến những biểu hiện của thói vô đạo đức như việc rải đinh trên quốc lộ để kiếm khách hàng vá ruột xe, hay việc một phụ nữ người Việt ở Úc mới đây găm kim may vào dâu tây để mong "gã chủ của mình sập tiệm".

Chỉ riêng việc thực phẩm bẩn đang không ngừng bủa vây người tiêu dùng tại Việt Nam cũng đã là một vấn đề đạo đức đáng quan tâm. Nhiều nhà nông quen sử dụng vô tội vạ thuốc trừ sâu đã không dám sử dụng chính nông sản do mình làm ra.

rong bán hàng, có rất nhiều hình thức thể hiện tình trạng thiếu đạo đức. Hình thức khá phổ biến là lôi kéo, nài ép, dụ dỗ người tiêu dùng ràng buộc với sản phẩm, thông qua việc phóng đại, thổi phồng, hay lợi dụng niềm tin sai lầm nào đó về sản phẩm.

Một số công ty tìm cách lừa dối khách hàng bằng cách che giấu sự thật, đánh vào nỗi sợ của khách hàng hay giới thiệu sản phẩm mơ hồ.

Thậm chí, họ còn nhồi nhét vào người tiêu dùng những ý tưởng xấu hoặc bệnh hoạn về tình dục, bạo lực, quyền thế... để bán cho được sản phẩm. Nhiều khi giá bán chính thức được ghi dối là "giảm giá”, bán đại trà nhưng báo là "sản phẩm giới thiệu", "hàng thanh lý”.

Có trường hợp bao gói và dán nhãn được ghi là "mới", "cải tiến", "tiết kiệm", nhưng thực ra không có. Đó là chưa kể các dạng lừa gạt khác như nhử và dẫn dụ khách hàng bằng "mồi câu" rồi chuyển kênh, hay bán hàng dưới chiêu bài nghiên cứu thị trường...

Như vậy, nhà quản trị doanh nghiệp không thể tìm cách kiếm lời bằng mọi giá mà "quên" đi vấn đề đạo đức khi tung sản phẩm ra thị trường. Các loại hàng cấm, hàng giả, hàng gian, hàng nhái cần được loại bỏ hoàn toàn khỏi danh mục hàng hóa của doanh nghiệp.

Ít nhất, sản phẩm phân phối phải hợp pháp và bảo đảm an toàn, tốt nhất là được sản xuất trong điều kiện bảo vệ môi trường thiên nhiên và bảo đảm sức khỏe người lao động.

Mặt khác, doanh nghiệp phải quan tâm thông tin thường xuyên, đầy đủ và trung thực về sản phẩm, dịch vụ, không lợi dụng tình thế để nâng giá, ép giá hay bán phá giá.

Những điều này là kim chỉ nam cho những nhà quản trị muốn lèo lái doanh nghiệp phát triển căn cơ, bền vững.

TIN LIÊN QUAN

Nội dung đang cập nhật...