• :
  • :

Công nghệ phát triển, nhân viên có biến thành “robot nơi công sở”?

“Sự kết nối giữa con người và con người là quan trọng nhất dù công nghệ hiện nay giúp ích chúng ta rất nhiều. Đừng biến mình thành những “con robot nơi công sở”, ông Rahul Goyal, Giám đốc điều hành, công ty ADP khu vực Ấn Độ và Đông Nam Á nhận định. 

Công nghệ phát triển, nhân viên có biến thành “robot nơi công sở”?

 

Quản trị nhân sự hiệu quả đang làm đau đầu các doanh nghiệp khi mà công nghệ phát triển dường như lại là bài toán khó vì việc kết nối nhân viên trong thời đại “văn phòng không dây” cũng không hẳn thuận lợi hoàn toàn.

 

Lãnh đạo một doanh nghiệp chia sẻ nhiều doanh nghiệp Việt đã “phá sản” với những phần mềm quản trị nhân lực khi áp dụng một cách cứng nhắc vào hoạt động công ty. Nhân viên không thực hiện, không có sự tương tác trong nhóm làm việc được tạo ra trên phần mềm quản trị đã mua. Thậm chí ngay cả sếp cũng không gương mẫu trong việc tương tác nhóm, vì có những tin nhắn trong nhóm gửi đi thì mãi đến chục ngày sau không thấy sếp trả lời...

 

Do đó, tìm được một phần mềm thích ứng để quản lý nhân viên cũng như khai thác hiệu quả làm việc của nhân viên không hề dễ dàng đối với doanh nghiệp Việt.

 

Tại hội thảo Quản trị nguồn nhân lực 2017 (HR Tech Asia 2017) diễn ra tại TP.HCM, ông Rahul Goyal, Giám đốc điều hành, công ty ADP khu vực Ấn Độ và Đông Nam Á, cho biết ngày càng có nhiều công ty hạng nhẹ, không cần văn phòng lớn, không nhiều nhân sự nên họ có thể phá vỡ những giới hạn về địa lý, dùng công nghệ để tương tác từ nhiều văn phòng khác nhau trên thế giới như trường hợp của Uber chẳng hạn.

 

Công nghệ giúp tuyển dụng nhân sự khắp nơi, hiệu suất làm việc của người lao động cũng được nâng cao. Sự trỗi dậy của nhiều công ty khi họ sử dụng Big Data, IoT… để quản lý những công việc xung quanh công ty là những thí dụ điển hình.

 

Công ty ADP đã làm một khảo sát với trên 3.400 người trên 30 tuổi và thuộc các công ty từ 250 nhân viên trở lên tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, cho thấy với sự hỗ trợ của công nghệ, khả năng kiểm soát và tính linh hoạt của nhân viên đang diễn ra mạnh mẽ ở Úc, Ấn Độ, Singapore và Trung Quốc.

 

Chia sẻ về những thách thức của quản trị nhân lực trong thời đại công nghệ số, đặc biệt cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được nhắc đến, bà Bùi Thy Hương, Giám đốc Nhân sự, PwC Việt Nam, cho biết một điều quan trọng tác động từ công nghệ là nhân viên trong tương lai có quyền chọn lãnh đạo. Do đó, chiến lược quả trị nguồn nhân lực phải linh hoạt để tận dụng sự thay đổi của công nghệ.

 

Riêng đối với PwC có đến 30% nhân viên không đến văn phòng làm việc hoặc ít gặp quản lý nhưng vẫn trao đổi công việc hàng ngày. Hay như công ty Cisco, từ năm 2005 đến nay, họ dựa trên công nghệ đã tạo điều kiện cho nhân viên làm việc ở nhà và công ty đã tiết kiệm được 277 triệu USD.

 

Còn doanh nghiệp Việt Nam cũng có những thay đổi nhất định nhờ công nghệ nhưng chưa thực sự toàn diện, bên cạnh đó là yếu tố văn hóa và vấn đề quản lý cũng chưa thể “cởi mở” như những doanh nghiệp nước ngoài.

 

Trong khối ASEAN, Việt Nam là quốc gia có rủi ro cao nhất từ công nghệ và tự động hóa, chiếm đến 70%, còn Camphuchia chỉ là 57%, mức trung bình trong ASEAN là 56%. Nguyên nhân, Việt Nam đang tận dụng nguồn nhân lực kỹ năng thấp, chủ yếu là dệt may và da giày nên ngại tự động hóa trong tương lai.

 

PwC đã thực hiện khảo sát 2.000 nhân viên làm việc ở những quốc gia khác nhau về tự động hóa và sự thay đổi về công nghệ, có khoảng 26% số người được hỏi e ngại về tương lai, 73% thấy hào hứng với sự thay đổi công nghệ.

 

Ứng phó với thực tế này, PwC đã khảo sát các doanh nghiệp Fortune 500 cho thấy có 73% doanh nghiệp có hệ thống quản trị nguồn nhân lực và đặt trên nền tảng đám mây, nhưng vẫn còn 27% doanh nghiệp không sử dụng quản trị nguồn nhân lực.

 

Ông Rahul Goyal cho biết thêm chính sự phát triển của công nghệ khiến nhân viên không thấy sự gắn bó lâu dài, ổn định với 1 công ty, bởi họ có nhiều kỹ năng và cơ hội để tiếp cận với những nơi làm việc khác. Mỗi nhân sự là thương hiệu của riêng mình, họ có thể bán sự hiểu biết cá nhân, gắn kết với sự nghiệp của riêng họ hơn là gắn với tập đoàn họ làm. Còn nhà tuyển dụng thì họ nghĩ họ có thể tìm được nhân viên tốt nhất trên toàn thế giới. Chẳng hạn,Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước cho thấy các doanh nghiệp có khả năng tìm kiếm nhân tài nhiều nhất và tìm nhân viên làm theo hợp đồng.

 

“Quan điểm của tôi là sự kết nối giữa con người và con người là quan trọng nhất dù công nghệ hiện nay giúp ích chúng ta rất nhiều. Đừng biến mình thành những “con robot nơi công sở”. Khái niệm “tự quản lý bản thân”, tức là cùng với công cụ, họ có thể cải thiện bản thân của họ để hiệu suất công việc tốt hơn”, ông Rahul Goyal nói.

 

Theo Doanhnhansaigon.vn

TIN LIÊN QUAN

Nội dung đang cập nhật...