Cần nhìn nhận nghiêm túc việc sử dụng tiếng Việt trên các phương tiện truyền thông đại chúng
Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Đinh Thế Huynh gửi lẵng hoa chúc mừng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến dự và phát biểu tại hội thảo.
Ban chủ trì hội thảo phiên toàn thể sáng 5/11. Ảnh: PV |
Hội thảo là một hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhân kỷ niệm 50 năm Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát động phong trào “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhận định, việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là "là một công việc lâu dài, phải kiên trì, phải nhìn xa, thấy rộng, phải làm từng bước với tất cả ý thức trách nhiệm của mỗi người chúng ta, với lòng tự hào về tiếng nói của dân tộc và lòng phấn khởi và tin tưởng đang góp phần của mình vào một công việc vừa quan trọng vừa tốt đẹp vô cùng".
Có thể thấy, chúng ta đều thấm thía rằng, việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt ẩn sâu trong đó là niềm tự hào, tự tôn dân tộc; thể hiện nhận thức sâu sắc của các nhà lãnh đạo và nhân dân ta về vai trò của văn hoá - nguồn cội sức mạnh của dân tộc trong lịch sử mấy nghìn năm đấu tranh gian khổ dựng nước, giữ nước. Tương lai của quốc gia, của dân tộc không chỉ là từ tiềm lực kinh tế, mà sâu xa là từ văn hoá, từ con người.
Nhận thức rõ được tầm trọng đó, Hội thảo được tổ chức với mục đích khẳng định, đề cao vai trò, vị thế của tiếng Việt - ngôn ngữ chính thức của nước Việt Nam thống nhất, trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời góp phần tạo các định hướng cho việc giữ gìn và phát triển của tiếng Việt phù hợp với yêu cầu giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc qua ngôn ngữ, nhất là trong bối cảnh và trách nhiệm truyền thông hiện đại.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, giữ gìn tiếng Việt, sự trong sáng của tiếng Việt cần đi đôi với việc phát triển, làm mới tiếng Việt. Ảnh: PV |
Tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Vũ Đức Đam, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là trách nhiệm của mỗi người, đặc biệt là các nhà báo, nhà giáo, nhà văn.
Có một thực tế hiện nay là ngoài xã hội, trên các diễn đàn, trong một số tài liệu, báo cáo, trên các ấn phẩm thông tin đại chúng, kể cả trong sách giáo khoa có nhiều biểu hiện thiếu chuẩn mực trong sử dụng tiếng Việt, quá dễ dãi trong phát triển, làm mới tiếng Việt.
"Giữ gìn tiếng Việt, sự trong sáng của tiếng Việt đi đôi với việc phát triển, làm mới tiếng Việt. Trong quá trình phát triển, việc tiếp thu thành tựu của văn minh nhân loại hay việc mượn tiếng nước ngoài để làm cho tiếng Việt đầy đủ hơn là yêu cầu khách quan; tuy nhiên việc tiếp thu phải có chọn lọc, loại bỏ được tạp chất", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Đặc biệt, trong lĩnh vực báo chí và truyền thông, tiếng Việt là công cụ hữu hiệu nhất để thông tin. Báo chí và công chúng báo chí cũng có những đóng góp to lớn, quan trọng vào sự phát triển của tiếng Việt hiện đại.
Bên cạnh ưu điểm và thành tích đó, có một thực tế cần quan tâm là việc sử dụng tiếng Việt cũng bộc lộ những hạn chế, yếu kém đó là sự thiếu trong sáng, thậm chí lệch chuẩn, lai căng, hỗn tạp.
Một số cơ quan, tổ chức, cá nhân còn cẩu thả, dễ dãi khi dung ngôn từ; Hiện tượng lạm dụng, sử dụng ngôn từ, từ tiếng nước ngoài đang ngày càng nhiều trong khi tiếng ta có sẵn.
Đáng báo động là không có nhiều, không có đủ sự phân tích, nhắc nhở, phê phán những biểu hiện đó. Ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt có lúc, có nơi còn chưa được quan tâm đúng mức.
PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: PV |
PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, đặc biệt là trên lĩnh vực báo chí truyền thông hiện nay.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh: “Thông qua hội thảo lần này, Ban Chỉ đạo và Ban tổ chức hội thảo kính đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Chính phủ, là Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và các cơ quan liên quan cần chăm lo công tác chỉ đạo, quản lý, tư vấn việc sử dụng tiếng Việt, việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng, hoàn thiện pháp luật, chính sách về ngôn ngữ, về tiếng Việt hướng tới xây dựng Bộ Luật Tiếng Việt, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nỗ lực và thành tích trong công tác này; chấn chỉnh, xử phạt nghiêm minh những hành vi sai trái, lệch lạc”.
PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải đánh giá, nhìn nhận lại việc sử dụng tiếng Việt, cái gì tốt thì phát huy, nâng lên; cái gì sai, lệch lạc phải điều chỉnh. Việc sử dụng tiếng Việt trên các phương tiện báo chí và truyền thông rất cần sự nhìn nhận đầy đủ, sâu sắc và nghiêm túc, từ đó chấn chỉnh những sai sót, yếu kém.
Gần 300 báo cáo khoa học, gần 100 bài viết, ý kiến của những nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà giáo, nhà văn, nhà báo và công chúng báo chí trên cả nước gửi tới hội thảo khoa học này là cách đánh giá, nhìn nhận, quan điểm của các nhà khoa học trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Hội thảo cũng là diễn đàn sôi động, tâm huyết, trí tuệ, bổ ích bàn về công cuộc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt nói chung và tiếng Việt trên truyền thông đại chúng nói riêng.
Các đại biểu tham dự hội thảo tập trung thảo luận về: Vấn đề ngôn ngữ và ngôn ngữ truyền thông đại chúng; những đóng góp của báo chí, truyền thông về ngôn ngữ; tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý đối với việc sử dụng tiếng Việt, coi trọng việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trong khuôn khổ hội thảo, có 3 tiểu ban thảo luận về những vấn đề như: Những vấn đề chung trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; Tiếng Việt trên sóng phát thanh, truyền hình; Tiếng Việt trên báo in và báo điện tử.
Nguồn: Thuỳ Dung/nguoilambao